Thấu hiểu - Sẻ chia
Menu

XỬ LÝ TRƯỜNG HỢP ĐỘNG VẬT RỪNG TẤN CÔNG NGƯỜI DÂN?

  • 04/06/2021

Chúng ta vẫn thường hay bắt gặp những tin tức về việc những người dân sinh sống gần những khu vực rừng tự nhiên bị tấn công bởi thú rừng, bởi vì bản chất hoang dã nên những con vật này rất hung hãn và có thể gây hại đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của con người. Vậy, khi đối mặt với sự tấn công này, chúng ta có được quyền tấn công ngược trở lại để tự vệ hay không?

Theo quy đinh của pháp luật không phải lúc nào động vật rừng tấn công đe dọa tính mạng, tài sản của người dân thì người dân đều có quyền bẫy, bắn ngay lập tức để tự vệ.

Căn cứ tại Điều 8 Nghị định 06/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, ta biết được rằng: Đối với các động vật rừng không thuộc nhóm động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm khi chúng có các hành vi tấn công đe dọa tính mạng, tài sản của người dân thì người dân đều có quyền bẫy, bắn ngay lập tức để tự vệ nhưng đối với các loại động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa xâm hại nghiêm trọng tài sản hoặc tính mạng của người dân thì ta cần lưu ý:

  • Trong trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa xâm hại nghiêm trọng tài sản hoặc tính mạng con người lúc này các tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp xua đuổi, hạn chế gây tổn thương đến động vật, đồng thời phải thông tin ngay với cơ quan Kiểm lâm hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cấp huyện nơi gần nhất biết.
  • Trong trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa tấn công trực tiếp đến tính mạng con người ở ngoài các khu rừng đặc dụng, phòng hộ mà sau khi đã áp dụng các biện pháp xua đuổi nhưng không có hiệu quả thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ ra quyết định và chỉ đạo việc bẫy, bắt, bắn cá thể động vật đó. Lúc này người dân mới có quyền bẫy, bắn theo quyết định, chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Sau khi đã bẫy, bắt, bắn động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa tấn công trực tiếp đến tính mạng con người ở ngoài các khu rừng đặc dụng, phòng hộ theo quyết định và chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thì việc xử lý đối với loài động vật đó được tiến hành như sau:

1. Nếu loài động vật hoang dã sau khi bẫy, bắt, bắn còn sống:

Một, phải tiến hành chăm sóc động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đã bị bẫy, bắt, bắn để tránh rủi ro để động vật bị chết.

Hai, ngay sau xử lý động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của pháp luật thì phải tiến hành bàn giao cho cơ quan Kiểm lâm sở tại để tổ chức chăm sóc và bảo quản động vật đó. Đối với động vật sống xử lý theo thứ tự ưu tiên sau: Thả lại môi trường tự nhiên phù hợp với sinh cảnh và phân bố tự nhiên của loài nếu động vật đó khỏe mạnh; hoặc chuyển giao cho cơ sở cứu hộ động vật, vườn động vật nếu động vật đó yếu cần cứu hộ hoặc tiêu hủy.

2. Nếu loài động vật hoang dã sau khi bẫy, bắt, bắn không còn sống:

  • Nếu thuộc động vật các loài Nhóm IA, IB (tức nhóm động thực vật rừng đang bị đe dọa) thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công.
  • Còn nếu động vật đó thuộc các loài Nhóm IIA, IIB (tức nhóm động thực vật rừng có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng) thì chuyển giao cho tổ chức khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành để trưng bày vì mục đích giáo dục bảo tồn; bán đấu giá cho tổ chức, cá nhân nuôi, trồng, chế biến, kinh doanh theo quy định của pháp luật; hoặc tiêu hủy trong trường hợp không thể thực hiện các biện pháp xử lý khác.
  • Nếu loài động vật hoang dã sau khi bẫy, bắt, bắn và ngay sau đó có kết luận của cơ quan kiểm dịch xác nhận là mang dịch bệnh truyền nhiễm thì theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định 06/2019 ta phải thực hiện việc tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
zalo-img.png