Chơi hụi (hay họ, biêu, phường) là một hình thức huy động vốn, tương trợ lẫn nhau được hình thành lâu đời trông dân gian. Có rất nhiều vụ “giật hụi”, “vỡ hụi” được thông tin trên tivi, báo đài khiến người dân lao đao mất tiền của, tài sản. Vậy chơi hụi là gì? Chơi hụi có vi phạm pháp luật không ?
Chơi hụi là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015 thì : Hụi (ngoài ra còn có tên gọi khác là họ, biêu, phường) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
Mục đích sơ nguyên của việc tổ chức hụi là nhằm tương trợ “kinh tế” trong nhân dân theo vòng lặp và phải được thực hiện theo quy định của pháp luật, cụ thể được quy định tại Nghị định 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường.
Chơi hụi có vi phạm pháp luật không?
Bằng việc dành hẳn một Nghị định để quy định, hướng dẫn về việc tham gia hụi chứng tỏ đây là một hình thức vay tài sản được nhà nước công nhận. Trong đó, việc chơi hụi được thực hiện dưới 02 hình thức bao gồm: hụi có lãi suất và hụi không có lãi suất.Tại khoản 3 Điều 471 quy định: “ Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuấn theo quy định của Bộ luật này.” Vì đây bản chất là giao dịch về tài sản nên lãi suất (nếu có) của hình thức chơi hụi phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, cụ thể thì mức lãi suất không được vượt quá 20%/năm theo khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015. Chính vì thế, nếu việc tổ chức chơi hụi với mức lãi suất cao hơn với mức lãi suất được đề cập trên đây sẽ được coi như là hành vi cho vay nặng lãi, là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, việc tham gia chơi hụi chủ yếu dựa vào sự tín nhiệm giữa những người tham gia mà không có bất cứ ràng buộc nào, cho nên có rất nhiều trường hợp đóng hụi với giá trị tài sản rất lớn nhằm mong muốn lấy được giá trị tài sản lớn khi đến lượt. Tuy nhiên cũng chính vì điều này đã đẩy nhiều “con hụi” rới vào cảnh tan cửa nát nhà khi “chủ hụi”, tức người cầm tất cả tài sản bỏ trốn. Đây rõ ràng là hành vi lạm dụng tín nhiệm tài sản và có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Như vậy, bản chất hụi không xấu và không đương nhiên bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu có sự biến tướng của giao dịch cho vay tài sản với lãi suất cao hoặc âm mưu chiếm đoạt tài sản thì hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu hình sự tùy theo mức độ nguy hiểm đối với xã hội. Do đó, người tham gia các hình thức họ, hụi, biêu, phường phải nên thật sự cẩn thận để tránh mất tài sản hoặc dính vào vòng lao lý.
Hãy để lại tin nhắn hoặc liên hệ Việt Nhật theo những cách thức sau để được tư vấn:
Địa chỉ:
-Văn phòng: 965/42c Quang Trung, Phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM.