1. Thế nào là người khuyết tật
Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể; hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
2. Xác định dạng tật người khuyết tật
Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định cụ thể về các dạng tật; từ đó xác định một người bị tật mang đặc điểm như thế nào.
Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình; dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.
Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng; dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.
Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.
Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.
Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm; hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.
Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp được quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
3. Người khuyết tật phạm tội có phải đi tù không
Cấu thành quan trọng của tội phạm là chủ thể thực hiện tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm. Xét về chủ thể, người khuyết tật nếu khuyết tật về mặt tinh thần; thì khi xét đến yếu tố chủ quan có thể xử lý theo các hướng khác nhau.
Căn cứ Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 quy định cụ thể về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo Điểm p Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự hiện hành; nếu người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng thì sẽ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Theo đó, mức hình phạt có thể sẽ nhẹ hơn bình thường cho người phạm tội; tức có thể sẽ được giảm nhẹ án tù, án treo. Khi xét xử người tàn tật phạm tội có tỷ lệ thương tật càng cao; thì việc xem xét mức độ giảm nhẹ hình phạt cho họ có thể sẽ càng nhiều. Người khuyết tật nhẹ sẽ không là yếu tố giảm nhẹ tội hoặc miễn truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ luật hình sự.
Như vậy, người khuyết tật sẽ không đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội được quy định tại Bộ luật hình sự hiện hành. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự hay áp dụng giảm nhẹ hình phạt đối với người khuyết tật sẽ được căn cứ vào dạng tật và mức độ khuyết tật.
4. Căn cứ xác định người khuyết tật được giảm nhẹ án tù
Từ việc xác định mức độ khuyết tật nặng hay nhẹ có thể làm căn cứ giúp những người khuyết tật phạm tội được giảm nhẹ án tù, án treo. Cụ thể tại Điều 3 Nghị định 28/2012/NĐ-CP:
Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
__________________________________________________________________________________
Hãy để lại tin nhắn hoặc liên hệ Việt Nhật theo những cách thức sau để được tư vấn:
Địa chỉ:
-Văn phòng 1: 965/42c Quang Trung, Phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM.
-Văn phòng 2: 431 Tân Sơn, Phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM.