Thấu hiểu - Sẻ chia
Menu

QUYỀN HÌNH ẢNH CỦA BỊ CAN, BỊ CÁO?!

  • 05/01/2023

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là một trong các quyền nhân thân, là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác. Do là quyền dân sự nên pháp luật dân sự quy định rất cụ thể và rõ ràng. Tuy nhiên pháp luật hình sự lại chưa có bất kỳ quy định cụ thể nào về quyền này của bị can, bị cáo, trên thực tế việc hạn chế hoặc tước bỏ quyền của cá nhân đối với hình ảnh trong suốt quá trình làm việc của các cơ quan tiến hành tố tụng từ giai đoạn điều tra cho đến khi truy tố, xét xử đã gây nhiều thắc mắc và ý kiến tranh cãi trái chiều do ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi hợp pháp của bị can, bị cáo.

Hiện nay không ít luật sư (LS) hoặc chính bị can, bị cáo đã đề nghị cơ quan điều tra, chủ tọa phiên tòa không cho phép báo chí tác nghiệp để bảo vệ quyền hình ảnh của các bị can, bị cáo. Tuy nhiên đề nghị này thường không được chấp nhận với giải thích: “Đây là phiên tòa hình sự xét xử công khai, báo chí tác nghiệp tuân thủ nội quy phiên tòa, theo đúng Luật Báo chí, chịu trách nhiệm về bài viết, khi tác nghiệp không gây mất trật tự phiên tòa” hoặc “báo chí đăng tải thông tin hỗ trợ cơ quan điều tra tác nghiệp, thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật”. Cách giải thích này được phần lớn quan điểm đồng tình ủng hộ nhưng cũng nhận không ít ý kiến tranh cãi trái chiều.

Bên ủng hộ cho rằng: “Luật cho phép nhà báo tác nghiệp, được quyền chụp hình bị can, bị cáo” bởi lẽ:

Căn cứ Theo điểm d khoản 2 Điều 25 Luật Báo chí 2016 (có hiệu lực từ 1-1-2017), nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.

Điểm e khoản 2 Điều 7 Nghị định 02/2011/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản quy định: Phạt tiền với hành vi đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân người đó, trừ các trường hợp tìm thân nhân của nạn nhân, ảnh của người đã bị khởi tố hình sự hoặc đang chấp hành hình phạt tù giam, ảnh thông tin về các hoạt động tập thể.

Ngoài ra việc phóng viên tác nghiệp đưa tin, viết bài khi tác nghiệp phiên tòa hoặc làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng càng minh chứng được tính công khai, minh bạch quá trình làm việc của các cơ quan này đồng thời góp phần hoàn thành tốt mục tiêu và công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản biện không đồng tình lại cho rằng: pháp luật quy định chưa cụ thể, rõ ràng, cần có những quy định chặt chẽ và chi tiết hơn về quyền dân sự, nhân thân cho bị can, bị cáo trong quá trình tố tụng hình sự.

Thứ nhất: Theo hiến pháp 2013 khoản 1 Điều 31: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy việc cơ quan điều tra khi tiến hành bắt giữ người trong trường hợp phạm tội quả tang; hoặc kết thúc điều tra ra quyết định truy tố cung cấp hình ảnh bị can cho phóng viên đăng tin hay như việc phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa sử dụng hình ảnh của bị cáo để minh họa cho bài viết có thể ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị can, bị cáo. 

Thứ hai: Theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, BL TTHS 2015 cũng như các văn bản pháp luật liên quan không tìm thấy bất kỳ quy định nào tước bỏ quyền của cá nhân đối với hình ảnh của bị can, bị cáo thậm chí ngay cả đối với người phạm tội. Những người này khi bị xét xử có thể sẽ phải chấp hành hình phạt và hạn chế một số quyền nhân thân, hoặc tước một số quyền công dân như: Cảnh cáo; Phạt tiền; Cải tạo không giam giữ; Trục xuất; Tù có thời hạn; Tù chung thân; Tử hình; Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; Cấm cư trú; Quản chế; Tước một số quyền công dân (quyền bầu cử); Tịch thu tài sản; bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế nhưng vẫn được luật pháp bảo vệ đây đủ các quyền về dân sự và nhân thân.

Thứ ba: hình ảnh của bị can, bị cáo, người phạm tội được các cơ quan tiến hành tố tụng phải được sử dụng theo đúng quy định pháp luật như việc xác minh nhân thân, thu thập tài liệu, chứng cứ hoặc khi cơ quan điều tra cần sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông báo chí điều hướng đối tượng điều tra, truy nã đối tượng bỏ trốn…

Thứ tư: người phạm tội sau khi chấp hành xong hình phạt và được xóa án tích thì họ được coi là người chưa bị kết án hay nói cách khác là người “trong sạch” về lý lịch tư pháp”. Vì vậy việc các tin tức có sử dụng những hình ảnh của bị can, bị cáo để minh họa vẫn tồn tại mà không bị xóa bỏ vô tình đã gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của họ sau khi chấp hành xong hình phạt của pháp luật. Dư luận xã hội luôn là một bản án rất lớn và đôi khi kéo dài đến suốt cuộc đời của những người này. 

Một điểm nữa đó là Chính sách nhân đạo: Hiện nay nhà nước đã và đang tốn rất nhiều công sức cũng như tài chính để tìm cách giúp người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong hình phạt. Việc đăng tin kèm sử dụng hình ảnh của bị can, bị cáo, sẽ gây rất nhiều khó khăn khi họ xây dựng lại cuộc sống mới, cuộc đời mới.

Ngoài ra đặc biệt trong các vụ án về xâm hại tình dục hoặc giết người dã man gây rúng động xã hội thì hình ảnh của bị can, bị cáo cáo trên những bài báo đưa tin chi tiết về quá trình thực hiện hành vi phạm tội sẽ gây nên nỗi ám ảnh khó quên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần của bị hại hoặc thân nhân của họ.

Người viết bài cũng đồng tình với những quan điểm phản biện này, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có quy định rõ về những hạn chế quyền dân sự của bị can, bị cáo và người phạm tội để đảm bảo quyền lợi của họ trong suốt quá trình tham gia tố tụng cũng như sau khi bị tuyên án và chấp hành xong hình phạt của pháp luật. Nên hạn chế sử dụng hình ảnh minh họa trong các bản tin, bài viết tường thuật diễn biến phiên tòa, có thể vẽ tranh để minh họa chung diễn biến toàn cảnh phiên tòa hoặc nếu sử dụng hình ảnh thì cần che nhận dạng của các bị can, bị cáo trong bài viết.

Xin trích dẫn dưới đây đối chiếu nội quy phiên tòa giữa BL TTDS và BL TTHS cho thấy sự khác biệt và chưa rõ ràng về quy định quyền cá nhân đối với hình ảnh

BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ 2015

BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ 2015

Điều 234. Nội quy phiên tòa

1. Khi vào phòng xử án, mọi người đều phải chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa.

2. Nghiêm cấm mang vào phòng xử án vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu và tài liệu, đồ vật khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa, trừ vật chứng của vụ án phục vụ cho công tác xét xử hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo để làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.

3. Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án phải xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác cho Thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa và ngồi đúng vị trí trong phòng xử án theo hướng dẫn của Thư ký phiên tòa; trường hợp đến muộn thì phải xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác cho Thư ký phiên tòa thông qua lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.

4. Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ.

5. Mọi người tham dự phiên tòa phải có trang phục nghiêm chỉnh; có thái độ tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ trật tự và tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa.

6. Không đội mũ, nón, đeo kính màu trong phòng xử án, trừ trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa; không sử dụng điện thoại di động, không hút thuốc, không ăn uống trong phòng xử án hoặc có hành vi khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa.

7. Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án phải có mặt tại phiên tòa trong suốt thời gian xét xử vụ án, trừ trường hợp được chủ tọa phiên tòa đồng ý cho rời khỏi phòng xử án khi có lý do chính đáng.

Người dưới mười sáu tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa.

8. Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án và khi tuyên án, trừ trường hợp đặc biệt được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa.

9. Chỉ những người được Hội đồng xét xử đồng ý mới được hỏi, trả lời hoặc phát biểu. Người hỏi, trả lời hoặc phát biểu phải đứng dậy, trừ trường hợp vì lý do sức khỏe được chủ tọa phiên tòa đồng ý cho ngồi để hỏi, trả lời, phát biểu.

Điều 256. Nội quy phiên tòa

1. Mọi người vào phòng xử án phải mặc trang phục nghiêm túc, chấp hành việc kiểm tra an ninh và thực hiện đúng hướng dẫn của Thư ký Tòa án.

2. Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.

3. Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án và khi tuyên án. Bị cáo phải đứng khi Kiểm sát viên công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố. Người được Tòa án triệu tập đến phiên tòa muốn trình bày ý kiến phải được chủ tọa phiên tòa đồng ý; người trình bày ý kiến phải đứng khi trình bày ý kiến, khi được hỏi.

Những người vì lý do sức khỏe có thể được chủ tọa phiên tòa cho phép ngồi.

4. Tại phiên tòa, bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa cho mình. Việc tiếp xúc với những người khác phải được chủ tọa phiên tòa cho phép.

5. Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa.

________________________________________________________________________________________________________________

Hãy để lại tin nhắn hoặc liên hệ Việt Nhật theo những cách thức sau để được tư vấn:

  • Facebook: Văn Phòng Luật Sư Việt Nhật LLP

  • Youtube: Văn phòng Luật Sư Việt Nhật LLP

  • Email: luatsuvietnhatllp1999@gmail.com

  • Hotline: 037 5244 218

Địa chỉ:

- Văn phòng: 965/42c Quang Trung, Phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM.

 

Tin tức cùng danh mục

zalo-img.png