Thấu hiểu - Sẻ chia
Menu

GHI ÂM CÓ ĐƯỢC CHẤP NHẬN LÀ CHỨNG CỨ TRONG TRANH CHẤP DÂN SỰ?

  • 08/03/2022

Ghi âm là việc dùng thiết bị, phương tiện kỹ thuật để ghi lại âm thanh, lời nói. Hay nói cách khác ghi âm có thể được coi là tài liệu nghe được và sử dụng như bằng chứng cho việc giải quyết tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, không phải nghiễm nhiên mà mọi bản ghi âm đều có thể được coi là chứng cứ cho một vụ án dân sự mà cần phải thỏa mãn một số điều kiện luật định. Vậy, những điều kiện này là gì?

Trước hết, để có thể được xem xét sử dụng trong vụ án dân sự, bản ghi âm cần thỏa mãn điều kiện tiên quyết để trở thành chứng cứ. Theo Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.”

Đối với những tài liệu âm thanh, theo khoản 2 Điều 95 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015: “Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.”

Bên cạnh đó, căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2021/HĐTP về HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ “CHỨNG MINH VÀ CHỨNG CỨ” CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THEO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ thì kèm theo các tài liệu nghe được là những văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm đó. Trong trường hợp không xuất trình được những văn bản này thi bản ghi âm đó sẽ không được coi như là chứng cứ và không được xử dụng trong quá trình giải quyết vụ án

Ví dụ 1: Trong vụ tai nạn giao thông, người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại được một người cung cấp băng ghi hình về hiện trường vụ tai nạn giao thông. Trong trường hợp này, cùng với việc giao nộp băng ghi hình đó, người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại phải xuất trình cho Toà án bản xác nhận của người đã cung cấp cho mình về xuất xứ của băng ghi hình đó.

Ví dụ 2: Ông A cho ông B vay năm triệu đồng với thời hạn 12 tháng. Việc vay tài sản không lập thành văn bản, nhưng được ông A ghi âm lại toàn bộ nội dung thoả thuận về việc vay tài sản, việc giao nhận tiền và thời điểm thanh toán nợ giữa ông A và ông B để làm bằng chứng cho việc vay tài sản của ông B. Đến hạn trả nợ, ông B không trả số tiền đó cho ông A. Ông A khởi kiện ông B ra Toà án. Trong trường hợp này, cùng với việc giao nộp băng ghi âm, ông A phải gửi văn bản trình bày về sự việc liên quan tới việc thu âm đó.

Như vậy, theo quy định pháp luật, để những bản ghi âm có thể được sử dụng trong quá trình giải quyết một vụ án dân sự thì việc giao nộp, xuất trình bản ghi âm trong quá trình tố tụng còn phải được kèm theo những văn bản về xuất xứ hoặc sự việc liên quan để xác minh tính liên quan và xác thực của những bản ghi âm này.  

________________________________________________________________________________

Hãy để lại tin nhắn hoặc liên hệ Việt Nhật theo những cách thức sau để được tư vấn:

  • Facebook: Văn Phòng Luật Sư Việt Nhật LLP

  • Youtube: Văn phòng Luật Sư Việt Nhật LLP

  • Email: luatsuvietnhat@gmail.com

  • Hotline: 037 5244 218

Địa chỉ:

- Văn phòng: 965/42c Quang Trung, Phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM. 

zalo-img.png