Thấu hiểu - Sẻ chia
Menu

PHẠM TỘI LẦN ĐẦU VÀ THUỘC TRƯỜNG HỢP ÍT NGHIÊM TRỌNG

  • 22/11/2021

Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng được quy định tại điểm h khoản 1 điều 46 BLHS 1999 và điểm i khoản 1 điều 51 BLHS 2015 như là tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong một vụ án hình sự.

1. Phạm tội lần đầu

Theo giải đáp tại mục 4 phần I Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC của Toà án nhân dân tối cao ngày 7/4/2017, phạm tội lần đầu được định nghĩa như sau “phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu”. Công văn 01/2017 ban hành tại thời điểm BLHS 1999 đang có hiệu lực, giải thích những trường hợp người phạm tội được xem là đã xoá án tích quy định tại bộ luật này mà tiếp tục bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được xem là phạm tội lần đầu.

Ngày 24/4/2018, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP. Tại khoản 2 điều 2 của Nghị quyết này quy định:

Được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Trước đó chưa phạm tội lần nào;

b) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự;

c) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;

d) Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích”.

Theo quy định của BLHS 2015, người được xoá án tích coi như chưa bị kết án (khoản 1 điều 69). Chỉ có hai trường hợp được coi là “không có án tích” theo quy định của BLHS. Thứ nhất là người đương nhiên được xoá án tích và có yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp thì được xác nhận là không có án tích (khoản 4 điều 70). Thứ hai là người dưới 18 tuổi bị kết án thuộc một số trường hợp quy định tại khoản 1 điều 107.  

Như vậy đã có sự khác nhau trong định nghĩa “phạm tội lần đầu” ở Công văn giải đáp và Nghị quyết của TANDTC, quy định ở Nghị quyết 01/2018 nhìn chung có lợi hơn cho người phạm tội hơn so với giải thích ở Công văn. Có hai quan điểm chính trong vấn đề này như sau:

  • Vì Nghị quyết 01/2018 có phạm vi áp dụng đối với các trường hợp tha tù trước thời hạn; còn Công văn 01/2017 giải đáp cụ thể về tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, đồng thời quy định về tình tiết giảm nhẹ này tại BLHS 1999 và BLHS hiện hành không thay đổi. Vậy nên đề nghị áp dụng quan điểm giải thích về “phạm tội lần đầu” theo Công văn 01/2017/GĐ-TANDTC.
  • Về giá trị pháp lý, Nghị quyết của HĐTP TANDTC là văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong khi đó Công văn giải đáp chỉ mang tính tham khảo, hướng dẫn, không có tính bắt buộc. Đồng thời theo chính sách hình sự nước ta, khi có sự xung đột về pháp luật cần áp dụng quy định có lợi hơn cho người phạm tội. Vì vậy cần áp dụng quy định tại Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP để giải thích khái niệm “phạm tội lần đầu”.

2. Trường hợp ít nghiêm trọng

Ở đây cần làm rõ các khái niệm “trường hợp ít nghiêm trọng” và “tội phạm ít nghiêm trọng”.

Theo điểm a khoản 1 điều 9 BLHS, “tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm”.

Trong khi đó, “trường hợp ít nghiêm trọng” được định nghĩa tại Công văn 01/2017/GĐ-TANDTC như sau:

Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Phạm tội gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù;

- Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm.

Việc định nghĩa khái niệm này tại Công văn phù hợp về mặt lý luận và logic so với BLHS vì trong BLHS có những tội phạm không phải là “tội phạm ít nghiêm trọng” nhưng vẫn có quy định tình tiết “trường hợp ít nghiêm trọng” tại chương XII các tội xâm phạm an ninh quốc gia; ví dụ như tại khoản 2 các điều 110, 114, 115, 116, 119. Nhưng đây là các tình tiết định khung nên không được xem là tình tiết giảm nhẹ nửa. Việc dẫn chứng các điều luật trên nhằm chứng minh rằng BLHS vẫn phân biệt giữa 2 khái niệm “trường hợp ít nghiêm trọng” và “tội phạm ít nghiêm trọng”.

Nhưng thực tiễn xét xử, một số toà chỉ áp dụng tình tiết này đối với tội phạm ít nghiêm trọng được quy định tại điểm a khoản 1 điều 9 BLHS.

Về vấn đề này, cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quan điểm hướng dẫn của Công văn. Vì trong những trường hợp người phạm tội bị truy tố, xét xử vào những tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng nhưng có mức độ tham gia mờ nhạt, vai trò không đáng kể trong vụ án; việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này để phân hoá trách nhiệm hình sự đối với những người phạm tội có vai trò cầm đầu, chủ mưu. Và đồng thời đảm bảo việc áp dụng chính sách hình sự có lợi cho người phạm tội.

Để việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” được thống nhất, tránh những vướng mắc trong thực tiễn; TANDTC cần đưa nội dung này vào Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán. Vì các lý do sau:

  • Làm rõ được các cụm từ có nhiều quan điểm giải thích khác nhau : “phạm tội lần đầu”, “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, “có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm”. Để không còn phụ thuộc vào nhận định của người áp dụng pháp luật, tạo sự thống nhất giữa các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử.
  • Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán là văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên có hiệu lực bắt buộc chung, việc áp dụng sẽ triệt để hơn.

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến quy định về phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng được quy định trong pháp luật về hình sự. 

________________________________________________________________________________

Hãy để lại tin nhắn hoặc liên hệ Việt Nhật theo những cách thức sau để được tư vấn:

  • Facebook: Văn Phòng Luật Sư Việt Nhật LLP
  • Youtube: Văn phòng Luật Sư Việt Nhật LLP
  • Email: luatsuvietnhat@gmail.com
  • Hotline: 0967 583 973

Địa chỉ:

- Văn phòng: 965/42c Quang Trung, Phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM

zalo-img.png