Thật ra trong mỗi ngành nghề tính kiên nhẫn luôn luôn là điều kiện cần có và giữ vai trò khá quan trọng. Tùy theo tính chất công việc mà yêu cầu này sẽ đòi hỏi mức cần thiết hoặc tương ứng khác nhau. Ví dụ như các công việc về nghiên cứu khoa học, khảo cổ học thì ngoài kiến thức chuyên môn, tính kiên nhẫn luôn được yêu cầu ở mức rất cao. Tuy nhiên nghề kiên nhẫn mà bài viết muốn đề cập ở đây là một nghề khác, đó chính là nghề Luật sư.
Tại sao lại nói nghề Luật sư là “nghề kiên nhẫn” trong khi trên thực tế có rất nhiều công việc đòi hỏi phải duy trì được tính kiên nhẫn trong trong thời gian rất dài? Xin được chia sẻ đôi điều về nghề Luật sư để luận giải cho quan điểm này như sau.
Để có thể hành nghề Luật sư, một Luật sư thông thường phải “kinh” qua các bước:
Quá trình học tập và rèn luyện trong thời gian khá dài:
Trước tiên người học nghề luật sư phải tốt nghiệp ngành luật tại một trường đại học; tiếp theo phải trải qua khóa học đào tạo luật sư - Học viện Tư pháp (thuộc Bộ Tư pháp) với thời hạn 1 năm; kế đến phải tập sự hành nghề luật sư tại một tổ chức hành nghề luật sư bất kỳ ít nhất trong thời hạn 1 năm; Sau thời hạn tập sự một năm người học nghề luật sư phải trải qua kỳ thi Kết thúc tập sự hành nghề luật sư với 3 phần thi mà chỉ cần rớt 1 trong 3 môn thi (kỹ năng, vấn đáp, đạo đức hành nghề) là bạn phải chờ 6 tháng sau mới được tham gia kỳ thi mới. Tóm lại nếu việc học hành, thi cử thuận lợi thì một vị luật sư tương lai đã mất ngót nghét 7 năm cho việc học tập.
Đề nghị cấp chứng chỉ Hành nghề luật sư – Thẻ luật sư: Đây là giai đoạn đầy cam go sau khi vượt qua kì thi Kết thúc tập sự hành nghề luật sư:
Người học nghề luật sư lúc này phải thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của Cục Bổ trợ tư pháp về việc đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp kèm theo bản xác nhận người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có đủ tiêu chuẩn luật sư theo quy định của Luật Luật sư; Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trong trường hợp cần thiết thì tiến hành xác minh tính hợp pháp của hồ sơ và có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Bộ Tư pháp; Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; Sau khi có chứng chỉ hành nghề luật sư, người học nghề luật sư phải gia nhập Đoàn Luật sư và được Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư đề nghị Liên đoàn Luật sư cấp thẻ. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư xem xét, quyết định việc gia nhập Đoàn luật sư. - Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày gia nhập Đoàn luật sư, Liên đoàn Luật sư cấp Thẻ luật sư (Luật Luật sư 2015). Dù là thủ tục hành chính đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, cấp thẻ luật sư và thời hạn quy định của thủ tục này được quy định rõ ràng như vậy trong luật Luật sư, nhưng trên thực tế số lượng chứng chỉ hành nghề và thẻ luật sư được cấp theo đúng quy định chỉ đếm trên đầu ngón tay cho những người “cực kỳ may mắn”. Đa phần người học nghề luật sư phải mất thời gian chờ đợi cho việc này khoảng 3 đến 6 tháng và có khi mất cả năm mới có được cái chứng chỉ hành nghề và tấm thẻ luật sư này. Nhìn chung tiến độ thực hiện thủ tục này hiện nay còn rất chậm chạp, thường kéo dài và tồn đọng rất nhiều vấn đề cần được thay đổi và cải tiến. Thực chất thủ tục này hiện đang vận hành như một cơ chế xin – cho, gây rất nhiều khó khăn và bức xúc cho những người học nghề luật sư. Vô hình chung “chốt chặn cuối cùng” này của cơ quan chức năng đã đóng băng bao nỗ lực đèn sách, công sức, tiền của, thời gian và tinh thần của những người này khi mà họ đang chuẩn bị bước chân vào nghề với tinh thần tràn đầy nhiệt huyết.
Hành nghề Luật sư: Đây là giai đoạn áp lực nhất với những thử thách đòi hỏi tính kiên nhẫn suốt cả quá trình hành nghề của người luật sư.
Tiếp xúc, làm việc với khách hàng, ngoài việc làm thế nào để nắm bắt nội dung vụ việc, những yêu cầu hợp pháp của khách hàng, đảm bảo để họ tin tưởng, hợp tác toàn diện với mình người luật sư còn phải làm việc với các cơ quan chức năng cùng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật rộng lớn nhằm đạt được hiệu quả công việc cao nhất. Những “rào cản” từ các thủ tục hành chính của các cơ quan chức năng; sự chồng chéo trong các quy định, văn bản pháp luật cũng như những hạn chế của hệ thống pháp luật chưa cập nhật kịp thời điều chỉnh được các mối quan hệ xã hội phát sinh mới luôn đòi hỏi người hành nghề luật sư phải hết sức kiên nhẫn, luôn tìm hiểu, học hỏi và vận dụng chính xác văn bản pháp luật kết hợp với kiến thức của mình để có thể hoàn thành chức năng xã hội của mình là góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Tuy xã hội ngày nay có khá nhiều quan điểm về nghề luật sư, có người thì nhìn nhận nghề luật sư là nghề cao quý; làm luật sư phải có cái đầu lạnh, trái tim nóng; nhưng cũng có quan điểm cho rằng nghề luật sư là nghề “cãi mướn”, nghề sống bằng mồm miệng… Tuy nhiên với những phân tích như trên, cá nhân người viết với những nhận định của riêng mình xin được kết luận: nghề luật sư chính là “Nghề kiên nhẫn”.
Bài viết chỉ phản ánh một phần nhỏ trong muôn vàn khó khăn mà người học nghề luật sư phải trải qua và cần được rèn giũa. Rất mong các bạn có ý định theo đuổi nghề luật sư luôn giữ vững quyết tâm để thực hiện được ước mơ của mình; Các cơ quan chức năng sớm có những điều chỉnh, thay đổi để có thể hỗ trợ ngày càng nhiều cho những người đang và sắp hoạt động nghề nghiệp góp phần bảo vệ công lý.
________________________________________________________________________________________________________________
Hãy để lại tin nhắn hoặc liên hệ Việt Nhật theo những cách thức sau để được tư vấn:
Facebook: Văn Phòng Luật Sư Việt Nhật LLP
Youtube: Văn phòng Luật Sư Việt Nhật LLP
Email: luatsuvietnhatllp1999@gmail.com
Hotline: 037 5244 218
Địa chỉ:
- Văn phòng: 965/42c Quang Trung, Phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM.