Thấu hiểu - Sẻ chia
Menu

CHÓ TẤN CÔNG NGƯỜI, XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

  • 11/11/2022

Hiện nay, việc nuôi thú cưng đã trở nên phổ biến trong nhiều gia đình với nhiều loài khác nhau, phổ biến là chó, mèo,... Những giống vật nuôi càng hoang dã càng có giá trị cao và thể hiện độ chịu chơi của chủ nhân. Tuy nhiên, đi kèm với việc nuôi những loài vật này luôn tiềm tàng những nguy hiểm khi chúng có thể tấn công con người bất cứ lúc nào. Chính vì thế mà đã có rất nhiều vụ việc thú cưng tấn công gây thương tích nặng cho con người một cách thương tâm được đăng lên báo đài gần đây. Vậy, khi sự việc xảy ra, ai sẽ là người chịu trách nhiệm và trách nhiêm đó được quy định như thế nào?

Hiện nay, chiếu theo các quy định liên quan đến trách nhiệm do súc vật gây ra, mới chỉ có trong Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể tại Điều 603:

“1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”

Nghị định 04/2020 (sửa đổi, bổ sung cho Nghị định 90/2017) quy định phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với người nào có hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa ra nơi công cộng.

Ngoài ra, chủ nuôi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người được quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Như vậy, có thể thấy pháp luật nước ta có đặt ra trách nhiệm dân sự lẫn hình sự đối với chủ vật nuôi gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của người khác. Tuy nhiên, việc áp dụng vẫn còn hạn chế và vẫn còn tồn đọng khoảng trống quy định dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra.

  • Thứ nhất, chế tài phạt hành chính chưa đủ sức răn đe: việc không đeo rọ mõm, xích giữ và có người dắt chó tại nơi công cộng hiện nay chỉ mới dừng lại ở mức 1-2 triệu đồng nhìn chung vẫn chưa đủ sức răn đe đối với nhiều chủ nuôi. Do đó, không khó để bắt gặp trường hợp thú cưng không được rọ mõm tại những nơi công cộng như phố đi bộ,...
  • Thứ hai, khó truy cứu trách nhiệm hình sự: luật hình sự hiện hành đối với hành vi thú cưng gây thương tích với người khác có thể áp dụng là Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người với điều kiện tỷ lệ thương tích từ 61% trở lên (khá cao so với những tội khác) và sự việc phải xảy ra ở “nơi đông người”. Vậy những trường hợp dù bị hại có tỷ lệ thương tích thỏa mãn những không phải ở nơi đông người thì chủ nuôi có vật nuôi gây thương tích sẽ không bị truy cứu hình sự?
  • Thứ ba, vẫn cần có quy định về quản lý thú cưng: hiện nay, sự đa dạng về chủng loại thú cưng được gia tăng, theo đó có nhiều loại thú hoang dã, hoặc thậm chí là những loài đang được đưa vào sách đỏ được nhiều chủ nuôi làm thú cưng mà không được kiểm soát. Điều này vừa tiềm ẩn nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của con người, vừa vi phạm về những quy định về bảo tồn những loài quý hiếm.  

Nói chung, dù quy định pháp luật có chặt chẽ như thế nào đi chăng nữa, quan trọng thiết yếu vẫn là ý thức của chủ nuôi. Hãy là một người chủ nuôi có ý thức để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống của người khác vì nuôi thú cưng được coi là một trong những sở thích cá nhân và bạn phải có trách nhiệm đối với sở thích của mình.

_____________________________________________________________________________

Hãy để lại tin nhắn hoặc liên hệ Việt Nhật theo những cách thức sau để được tư vấn:

  • Facebook: Văn Phòng Luật Sư Việt Nhật LLP

  • Youtube: Văn phòng Luật Sư Việt Nhật LLP

  • Email: luatsuvietnhat@gmail.com

  • Hotline: 037 5244 218

Địa chỉ:

- Văn phòng: 965/42c Quang Trung, Phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM.

zalo-img.png