Thấu hiểu - Sẻ chia
Menu

CHO NGƯỜI KHÁC SỬ DỤNG CHỨNG CHỈ, VĂN BẰNG CỦA MÌNH CÓ BỊ XỬ LÝ KHÔNG?

  • 24/11/2022

Chứng chỉ, văn bằng được dùng để minh chứng cho việc hoàn thành khóa đào tạo trình độ học vấn, nghề nghiệp. Tuy nhiên, hiện trạng mượn, cho người khác mượn và sử dụng những giấy tờ này để thực hiện một số mục đích không chính đáng đang diễn ra khá phổ biến. Vậy, hành vi này có vi phạm pháp luật hay không và nếu có thì chế tài xử lý như thế nào?

Theo quy định tại Điều 12 Luật giáo dục 2019 thì Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, đạt chuẩn đầu ra của trình độ tương ứng theo quy định của Luật giáo dục. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Đối với chứng chỉ thì chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp hoặc cấp cho người học dự thi lấy chứng chỉ theo quy định.

Theo đó, điều luật cũng quy định Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau.

Căn cứ theo Điểm b Khoản 1 Điều 23 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:

"1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác;

b) Cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình;

c) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Công khai không đầy đủ thông tin về việc cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị;

b) Công khai không chính xác thông tin về việc cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không công khai thông tin về việc cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

4. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật là văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện công khai theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều này.

b) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này."

Như vậy đối với hành vi cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Bên cạnh đó người sử dụng văn bằng, chứng chỉ cũng bị phạt tương tự trên. Đối với hành vi này thì sẽ xử lý đối với người sử dụng và người cho sử dụng văn bằng, chứng chỉ. Cần lưu ý đây là mức phạt dành cho cá nhân, nếu tổ chức vi phạm thì sẽ bị phạt gấp đôi, lên đến 20 triệu đồng.

_____________________________________________________________________________

Hãy để lại tin nhắn hoặc liên hệ Việt Nhật theo những cách thức sau để được tư vấn:

  • Facebook: Văn Phòng Luật Sư Việt Nhật LLP

  • Youtube: Văn phòng Luật Sư Việt Nhật LLP

  • Email: luatsuvietnhatllp1999@gmail.com

  • Hotline: 037 5244 218

Địa chỉ:

- Văn phòng: 965/42c Quang Trung, Phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM.

zalo-img.png