Pháp luật hiện nay cũng như pháp luật cũ đều không quy định khái niệm về sổ đỏ, sổ hồng. Chỉ có khái niệm về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được quy định cụ thể tại Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai năm 2013 cụ thể như sau:
“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”
Đối với hành vi làm giả giấy tờ nhà đất, tại Khoản 3 Điều 35 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định cụ thể như sau:
“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng giấy tờ giả trong thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Theo đó, cần lưu ý rằng, tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định thì mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền của cá nhân. Như vậy, hành vi làm giả sổ đỏ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tối đa là 60.000.000 đồng. Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền sẽ tịch thu giấy tờ khi làm giả giấy tờ nhà đất đã sử dụng để thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Khoản 4 Điều 35 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
Đối với trường hợp đối tượng làm giả giấy tờ đất mà hành vi của đối tượng xét thấy có dấu hiệu của tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể quy định như sau:
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- Có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
- Tái phạm nguy hiểm;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
- Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Đối với mức xử phạt là truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy vào hành vi của đối tượng bị xếp vào loại tội danh nào mà có mức hình phạt cụ thể dành cho tội danh đó. Chung quy, mức xử phạt tối đa dành cho đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chung thân.
_____________________________________________________________________________
Hãy để lại tin nhắn hoặc liên hệ Việt Nhật theo những cách thức sau để được tư vấn:
Facebook: Văn Phòng Luật Sư Việt Nhật LLP
Youtube: Văn phòng Luật Sư Việt Nhật LLP
Email: luatsuvietnhat@gmail.com
Hotline: 037 5244 218
Địa chỉ:
- Văn phòng: 965/42c Quang Trung, Phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM.