1. Cho vay nặng lãi là gì?
Cho vay nặng lãi là cụm từ phổ biến để chỉ những trường hợp cho vay với lãi suất cao, còn theo Bộ luật Hình sự và Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP gọi là “cho vay lãi nặng”.
Theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP, cho vay lãi nặng là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015).
Mức lãi suất cao nhất tại BLDS 2015 là 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Như vậy có thể hiểu đơn giản là người nào cho vay với mức lãi suất từ 100%/năm (tương đương khoảng 8,33%/tháng) trở lên sẽ bị coi là đang cho vay nặng lãi và phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.
Nếu cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
2. Cho vay nặng lãi sẽ bị xử lý như thế nào theo pháp luật?
Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 là một tội danh độc lập, được quy định trong chương các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII – Mục 2 BLHS năm 2015).
Theo đó, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hành vi khách quan của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thể hiện ở 2 hành vi sau đây: Một là, hành vi cho người khác vay và áp đặt mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất trong Bộ luật dân sự 2015 và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên. Hai là, hành vi cho người khác vay và áp đặt mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất trong BLDS 2015
Mặc dù Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tuy nhiên trong thực tiễn giải quyết vụ án về cho vay nặng lãi vẫn còn nhiều vướng mắc. Như việc xác định về khoản thu lợi bất chính là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của BLDS và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay. Tuy nhiên, người cho vay dùng số tiền đó nhằm vào việc kinh doanh và khoản kinh doanh tạo ra lợi nhuận hoặc người cho vay mang khoản thu lợi từ việc cho vay trước mang cho người khác vay thì khoản lợi từ số tiền đó được coi là thu lợi bất chính không?
Hay việc pháp luật hình sự và văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể là khoản thu trái pháp luật gồm những khoản thu nào Các khoản thu trái pháp luật có thể là phí trả quá hạn, các khoản “cắt phế” khi đi vay( như việc một người đi vay 10 sẽ bị cắt phế mất 1) hoặc có thể là phạt hợp đồng vay khi trả chậm hay không?
Có thể thấy, cần phải có những hướng dẫn cụ thể hơn nữa để xác định thu lợi bất chính đặc biệt xác định cụ thể thế nào là thu lợi bất chính, khoản thu trái pháp luật.
________________________________________________________________________________
Hãy để lại tin nhắn hoặc liên hệ Việt Nhật theo những cách thức sau để được tư vấn:
Facebook: Văn Phòng Luật Sư Việt Nhật LLP
Youtube: Văn phòng Luật Sư Việt Nhật LLP
Email: luatsuvietnhat@gmail.com
Hotline: 037 5244 218
Địa chỉ:
- Văn phòng: 965/42c Quang Trung, Phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM.