Mỗi dịp tết đến xuân về, các hoạt động truyền thống lại diễn ra hết sức sôi nổi, trong miền Nam có cây mai, cây cúc, ngoài Bắc có cây quất, cây đào và đốt pháo hoa vào đêm 30 tết cũng đã là một truyền thống không thể thiếu của người dân Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Thường các loại pháo hoa nổ sẽ được bắn tại các địa điểm chỉ định sẵn (công viên, quảng trường…) để người dân dễ dàng xem được. Cũng có rất nhiều người dân tổ chức đốt pháo hoa tại nhà để không khí ngày tết thêm phần vui vẻ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc sử dụng pháo hoa đã bị cấm và có thể bị xử phạt hành chính nếu bị cơ quan chức năng phát hiện. Vậy, quy định đối với việc sử dụng pháo hoa như thế nào?
Pháo hoa hay thường được nhắc đến trong cuộc sống thường ngày, thế nhưng, pháp luật Việt Nam lại phân loại các loại pháo nổ/ pháo hoa theo tính chất cấu tạo và sử dụng tương ứng với những hạn chế sử dụng nhất định, cụ thể, theo Nghị Định 137/2020/NĐ-CP có giải thích về pháo tại điều 3 được hiểu như sau:
Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa.
Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ;
Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m;
(hình ảnh minh họa pháo hoa nổ)
(hình ảnh minh họa pháo hoa)
Loại pháo mà nhà nước thường bắn vào các dịp lễ tết tại quảng trường, công viên cho nhiều người tới cùng xem và chiếu lên tivi hay bị nhầm là pháo hoa, nhưng thực chất tên gọi đúng của nó là pháo hoa nổ và đây cũng chính là loại pháo hoa mà người dân không được tự ý sử dụng khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với loại pháo này, theo Nghị Định này Điều 11 quy định các dịp được được phép sử dụng gồm: Tết Nguyên Đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Quốc Khánh, Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch), Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế. Hoặc một số trường hợp do Thủ tướng Chính Phủ quyết định. Các trường hợp bắn pháo hoa nổ theo Nghị Định này cũng phải do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và cấp phép theo điều 12 Nghị Định này. Việc tổ chức bắn pháo hoa nổ sẽ do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện.
Tuy nhiên, không phải người dân sẽ bị cấm sử dụng mọi loại pháo, Điều 17 quy định Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. và chỉ được phép mua pháo hoa tại các tổ chức doanh nghiệp được phép kinh doanh, sản xuất pháo hoa. Vậy người dân vẫn có thể đốt pháo hoa vào các dịp lễ tết mà không hề trái với quy định của pháp luật (Lưu ý: giữa pháo hoa và pháo hoa nổ là loại pháo hoàn toàn khác nhau).
Như vậy, do tính chất hoạt động có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của người sử dụng nên nhà nước ta quản lý rất chặt chẽ việc nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu và sử dụng các loại pháo, đặc biệt là pháo nổ. Chính vì thế việc cá nhân tự ý sử dụng pháo nổ không đúng thời điểm và không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền được coi là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính.
Các trường hợp người dân đốt pháo hoa nổ không đúng quy định có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng tới 2.000.000 đồng (gấp đôi đối với pháp nhân) theo Nghị Định 167/2013/NĐ-CP quy định tại điểm b khoản 2 điều 10.
________________________________________________________________________________
Hãy để lại tin nhắn hoặc liên hệ Việt Nhật theo những cách thức sau để được tư vấn:
Facebook: Văn Phòng Luật Sư Việt Nhật LLP
Youtube: Văn phòng Luật Sư Việt Nhật LLP
Email: luatsuvietnhat@gmail.com
Hotline: 037 5244 218
Địa chỉ:
- Văn phòng: 965/42c Quang Trung, Phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM.