Thấu hiểu - Sẻ chia
Menu

PHÁP NHÂN CÓ PHẠM TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN?

  • 15/06/2022

Thực tiễn hiện nay rất nhiều Doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân được thành lập nhưng không để hoạt động sản xuất - kinh doanh mà chỉ nhằm mục đích lợi dụng danh nghĩa kinh doanh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi của những DN này hết sức tinh vi để lại hẩu quả khó lường. Vậy có thể làm đơn tố cáo DN phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được không.

1. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là gì?

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong số những tội phạm phổ biến trong nhóm tội xâm phạm đến quyền sở hữu đã được quy định cụ thể tại Điều 174 Bộ luật Hình sự hiện hành (BLHS).

Hành vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà ngay lúc đó, người bị hại không biết được có hành vi gian dối; (2) Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật nhưng làm cho người bị lừa dối tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động, bằng hình ảnh…hoặc kết hợp bằng nhiều cách thức khác nhau. Hiện nay, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm rất tinh vi, tội phạm thường thực hiện hành vi lừa đảo trên các trang mạng xã hội hoặc các trang web, sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, tội phạm sẽ cắt đứt mọi liên hệ với người bị hại và thường người bị hại không biết hoặc biết những thông tin không chính xác về tội phạm.

Đặc điểm nổi bật của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn gian dối của người phạm tội phải có trước hành vi chiếm đoạt và là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị hại tin là thật mà giao tài sản cho người phạm tội. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu thủ đoạn gian dối có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy từng trường hợp cụ thể sẽ cấu thành nên tội phạm khác.

Hậu quả của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là làm thiệt hại về tài sản của người khác.  Thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa giao tài sản cho mình hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận.

2. Pháp nhân có phạm tội Lừa đảo không?

Điều 76 BLHS quy định pháp nhân chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với những tội phạm sau đây:

  • Tội buôn lậu (Điều 188); Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189); Tội sản xuất mua bán hàng cấm (Điều 190); Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi (Điều 195); Tội đầu cơ (Điều 196);
  • Tội trốn thuế (Điều 200); Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 203); Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (Điều 209); Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 210);
  • Tội thao túng thị trường chứng khoán (Điều 211); Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216); Tội vi phạm quy định về cạnh tranh (Điều 217);
  • Các tội khác xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được quy định tại các Điều 225, 226, 227, 232, 234;
  • Các tội phạm về môi trường được quy định tại các Điều 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246.
  • Tội rửa tiền (Điều 324); Tội tài trợ khủng bố (Điều 300).

Như vậy, theo bản chất của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi mang ý chí chủ quan nhắm thẳng đến tài sản của bị hại cũng như quy định của pháp luật hiện hành, pháp nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội Lừa đào chiếm đoạt tài sản. Do đó, chúng ta không thể tố cáo một DN nào đó phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được mà thay vào đó, việc tố cáo thẳng cá nhân có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ được cơ quan có thẩm quyền thụ lý và giải quyết.

3. Làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình khi bị một DN lừa đảo?

Như đã phân tích trên đây, pháp nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do đó chúng ta không thể tố cáo một DN nào đó lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của mình được. Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ hơn chúng ta sẽ thấy hành vi lừa đảo này được một cá nhân hoặc nhiều cá nhân thực hiện dựa trên sự chỉ đạo của người đại diện theo pháp luật hoặc người quản lý DN đó. Do đó, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chính mình, chúng ta có thể viết đơn tố giác chủ DN, người đại diện theo pháp luật của DN hoặc người quản lý DN về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi do cá nhân thực hiện.
 

_____________________________________________________________________________

Hãy để lại tin nhắn hoặc liên hệ Việt Nhật theo những cách thức sau để được tư vấn:

  • Facebook: Văn Phòng Luật Sư Việt Nhật LLP

  • Youtube: Văn phòng Luật Sư Việt Nhật LLP

  • Email: luatsuvietnhat@gmail.com

  • Hotline: 037 5244 218

Địa chỉ:

- Văn phòng: 965/42c Quang Trung, Phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM. 

zalo-img.png