Thấu hiểu - Sẻ chia
Menu

THI HÀNH PHÁN QUYẾT CỦA TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI VIỆT NAM

  • 05/05/2022

Giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài thương mại ngày càng phổ biến. Việc thi hành phán quyết liệu có giống thi hành bản ản của Tòa án?

1. Hiệu lực của Phán quyết trọng tài

Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, cơ chế giải quyết tranh chấp tại Trọng tài được coi có giá trị ngang với thủ tục tố tụng tài Tòa án. Minh chứng bằng việc một khi có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại trọng tài thì Tòa án sẽ từ chối thụ lý vụ tranh chấp đó (trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được) theo Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010 và Phán quyết trọng tài sẽ được coi là chung thẩm theo khoản 5 Điều 61 của luật này, nghĩa là các bên sẽ không được khởi kiện vụ tranh chấp đã được giải quyết tại Trọng tài ở bất kỳ cơ quan, tổ chức nào khác và không có quyền kháng cáo, kháng nghị theo bất cứ thủ tục nào.

Như vậy, có thể nói dù có chế giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại không được thực hiện ở cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phán quyết trọng tài có giá trị pháp lý ngang bằng với bản án của Tòa án và có hiệu lực thi hành đối với các bên.

2. Thi hành Phán quyết trọng tài

Phán quyết trọng tài thương mại Việt Nam sẽ được thi hành theo trình tự, thủ tục thi hành án đã được quy định tại Luật Thi hành án hiện hành.

Do những tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài xuất phát từ những tranh chấp trong hoạt động thương mại, vì thế nên nguyên tắc tự nguyện, thỏa thuận luôn được đề cao. Tương tự với việc thi hành phán quyết trọng tài, việc khuyến khích tự nguyện thi hành luôn được khuyến khích đối với các bên.

Tuy nhiên, hầu hết trong các trường hợp, bên phải thi hành án thường không tự nguyện thi hành trong khoảng thời hạn thi hành án được quy định trong phán quyết. Chính vì thế, luật trọng tài đề ra quyền yêu cầu thi hành án đối với bên được thi hành án trong trường hợp bên phải thi hành án không thi hành án theo đúng thời hạn. Theo đó, căn cứ khoản 1 Điều 66 Luật Trọng tài thương mại 2010, hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.

Việc được quyền yêu cầu thi hành phán quyết tại Cơ quan thi hành án và việc thi hành phán quyết được thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật Thi hành án sẽ tạo cơ chế bảo đảm việc thi hành phán quyết đối với bên phải thi hành phán quyết, tránh gây thiệt hại đối với bên được thi hành vì sẽ luôn có biện pháp cưỡng chế trong trường hợp bên phải thi hành không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình.

Có thế nói rằng, tại Việt Nam, theo pháp luật hiện hành, phán quyết của Trọng tài Thương mại Việt Nam sẽ có giá trị thi hành tương đương với bản án của Tòa án. Bên cạnh việc đề cao tính tự nguyện cũng có biện pháp cưỡng chế thi hành nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên trong vụ tranh chấp

_______________________________________________________________________________

Hãy để lại tin nhắn hoặc liên hệ Việt Nhật theo những cách thức sau để được tư vấn:

  • Facebook: Văn Phòng Luật Sư Việt Nhật LLP

  • Youtube: Văn phòng Luật Sư Việt Nhật LLP

  • Email: luatsuvietnhat@gmail.com

  • Hotline: 037 5244 218

Địa chỉ:

- Văn phòng: 965/42c Quang Trung, Phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM. 

 

zalo-img.png