Thấu hiểu - Sẻ chia
Menu

PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG KHÔNG PHẢI LÀ TỘI PHẠM?

  • 03/11/2021

Phòng vệ chính đáng được xem như là hành vi bản năng cơ bản của con người khi bị ai đó xâm phạm đến quyền và lợi ích của bản thân. Vậy trong trường hợp làm chết người khi phòng vệ chính đáng thì có phạm tội hay không? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Theo khoản 1, Điều 22 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017; phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác; hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Do vậy, lấy ví dụ trường hợp bạn bị cướp tài sản đang xâm phạm đến tài sản cũng như có thể đồng thời là sức khỏe, tính mạng của bạn, của người khác hoặc của Nhà nước, cơ quan, tổ chức khác; ban được chống trả một cách cần thiết (không được vượt quá mức cần thiết) để kẻ trộm này dừng hành vi xâm phạm của mình.

Như vậy, những hậu quả xảy xuất phát từ hành vi phòng vệ chính đáng sẽ không trở thành yếu tố cấu thành tội phạm và bản thân hành vi phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì những hành vi vượt quá vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự tùy theo mức độ nguy hiểm và hậu quả để lại.

  • Quy định của pháp luật về phòng vệ chính đáng

Một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng khi:

– Nạn nhân là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác. Hành vi xâm phạm này phải có tính chất nguy hiểm đáng kể. Khi xét hành vi xâm phạm trong trường hợp phòng vệ chính đáng phải xem xét trong mối tương quan với hành vi chống trả; không phải bất cứ hành vi tội phạm nào xảy ra, người có hành vi chống trả gây chết người; hoặc gây thương tích cho người có hành vi xâm phạm đều là phòng vệ chính đáng.

– Hành vi chống trả phải cần thiết

Sự chống trả cần thiết trước hết phải căn cứ vào tính chất của các lợi ích bị xâm phạm; tính chất của hành vi xâm phạm và các mối tương quan khác giữa hành vi xâm phạm với hành vi phòng vệ.

Phòng vệ chính không phải là biện pháp trả thù mà là biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội; nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại mà hành vi này có thể gây ra.

Phòng vệ chính đáng là quyền của con người nên không yêu cầu phương pháp; phương tiện của người phòng vệ phải như phương pháp, phương tiện mà người tấn công sử dụng.

  • Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là gì?

Theo khoản 2 điều 22, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết; không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích; hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác; do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.

  • Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng bị xử phạt thế nào?

* Đối với hành vi gây thương tích, Điều 136 Bộ luật Hình sự quy định:

"1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích; hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm."

* Đối với hành vi giết người, Điều 126 Bộ luật hình sự 2015 quy định:

"1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm."

Như vậy, tùy vào mức độ thương tích; người vượt quá phòng vệ chính đáng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù cao nhất lên đến 3 năm.

________________________________________________________________________________

Hãy để lại tin nhắn hoặc liên hệ Việt Nhật theo những cách thức sau để được tư vấn:

  • Facebook: Văn Phòng Luật Sư Việt Nhật LLP
  • Youtube: Văn phòng Luật Sư Việt Nhật LLP
  • Email: luatsuvietnhat@gmail.com
  • Hotline: 0967 583 973

Địa chỉ:

-Văn phòng: 965/42c Quang Trung, Phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM. 

 

zalo-img.png